Hướng dẫn giải quyết tranh chấp tên miền

tranh-chap-ten-mien-viet-nam

Giải thích thuật ngữ:

-“Tranh chấp tên miền” là tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự hoặc hoạt động thương mại có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tên miền.

-“Nguyên đơn” là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ tranh chấp tên miền khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

-“Bị đơn” là cơ quan, tổ chức, cá nhân đang sử dụng tên miền bị người khiếu kiện khởi kiện về vụ tranh chấp tên miền đó.

– “Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật”  là bản án, quyết định phúc thẩm của tòa án (có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tòa tuyên án) hoặc bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án, quyết định giải quyết tranh chấp tên miền của trọng tài sau khi đã được tuyên và tống đạt cho các bên mà hết thời hạn kháng cáo, kháng án quy định các bên liên quan đều không có kháng cáo, kháng án.

Căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền theo yêu cầu của nguyên đơn.

    Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của nguyên đơn; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà nguyên đơn là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp;

    Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó;

    Bị đơn cho thuê hay chuyển giao tên miền cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ, trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với tên miền đó; cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính;

   Bị đơn chiếm dụng, không cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

     Bị đơn sử dụng tên miền để hủy hoại danh tiếng của nguyên đơn, cản trở hoạt động kinh doanh của nguyên đơn hoặc gây sự nhầm lẫn, gây mất lòng tin cho công chúng đối với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

    Trường hợp khác chứng minh được việc bị đơn sử dụng tên miền vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Bị đơn được coi là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền khi đáp ứng một trong số các điều kiện sau đây:

   Đã sử dụng hoặc có bằng chứng rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền đó liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hoàng hóa hoặc dịch vụ một cách thực sự trước khi có tranh chấp;

   Được công chúng biết đến bởi tên miền đó cho dù không có quyền nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ;

   Đang sử dụng tên miền một cách hợp pháp không liên quan tới thương mại hoặc sử dụng tên miền một cách chinh đáng, không vì mục đích thương mại hoặc làm công chúng hiểu sai hoặc nhầm lẫn, ảnh hưởng tới tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn;

   Có bằng chứng khác chứng minh đươc tính hợp pháp của bị đơn liên quan đến tên miền.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *